Đồng chí Phạm Ngọc Thịnh – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, kiêm Phó Ban thường trực phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) huyện Na Rì cho biết: Ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ đạo đã chủ động tham mưu cho chính quyền huyện, kiện toàn và thành lập các Ban Chỉ đạo PCLB & TKCN ở các cấp từ huyện đến cơ sở, đồng thời chỉ đạo các xã thống kê rà soát chi tiết các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị lũ quét, lũ ống và sạt lở đât..., để xây dựng kịp thời các phương án khắc phục, di dân tạm thời đến nơi an toàn.
|
Xã Lương Thượng luôn chủ động ứng phó với nguy cơ sạt lở đất tại Khu tái định cư Khuổi Có mỗi khi bước vào mùa mưa bão hàng năm |
Theo báo cáo thống kê của Ban Chỉ đạo PCLB & TKCN huyện Na Rì, qua rà soát tại các địa phương cơ sở, huyện Na Rì hiện có hàng trăm hộ dân sinh sống tại các khu dân cư nằm trong khu vực có nguy cơ hứng chịu các đợt lũ quét và sạt lở đất có thể xảy đến bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão năm nay. Ban Chỉ đạo PCLB & TKCN đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo chính quyền cơ sở, cần phải chủ động di dân đến nơi an toàn khi có những diễn biến xấu của thời tiết.
Lương Thượng là một trong những xã duy trì tốt công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở địa phương. Đồng chí Nguyễn Duy Cầu – Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có Khu tái định cư Khuổi Có mới đưa vào sử dụng, với 44 hộ đồng bào Mông sinh sống. Do là khu tái định cư mới được đầu tư nên kết cấu đất vẫn chưa thực sự ổn định, nguy cơ sạt lở đất khi có mưa kéo dài là không thể tránh khỏi.
Hơn nữa, xã Lương Thượng lại có rất nhiều hệ thống sông, suối nhỏ, khi có lượng mưa lớn là nước ở phía thượng nguồn dồn đổ về tạo thành những trận lũ ống, lũ quét rất nguy hiểm. Chính quyền xã đã chỉ đạo cho các ban ngành, đoàn thể ở địa phương, phối hợp tốt với Ban chỉ đạo cấp xã theo dõi sát sao tình hình mưa lũ, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân không tổ chức vớt củi hay đánh bắt cá khi có mưa lũ. Luôn sẵn sàng các phương án cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “bốn tại chỗ”, mà Ban chỉ đạo cấp trên đã đề ra.
Cũng như xã Lương Thượng, thị trấn Yến Lạc có khá nhiều khu dân cư, với hàng trăm hộ dân sống dọc theo hai bên bờ sông Bắc Giang. Chính quyền cơ sở luôn đề cao cảnh giác mỗi khi bước vào mùa mưa bão hàng năm bởi mỗi khi có mưa lớn kéo dài, tại các địa điểm này đều xuất hiện các vết nứt, sạt lở đất kéo dài, kèm theo đó là các trận lũ lớn gây thiệt hại về tài sản và hoa màu của nhân dân ở địa phương. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền thị trấn Yến Lạc đã chỉ đạo cho người dân cần cảnh giác cao độ, chủ động di dời con người và tài sản ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất khi có mưa lớn.
Đồng chí Lý Xuân Trường – Chủ tịch UBND thị trấn Yến Lạc cho hay: Thời gian qua, mặc dù chưa có thiệt hại về người trong các mùa mưa bão hàng năm, nhưng không vì thế mà chính quyền địa phương lơ là, chủ quan. Ban Chỉ đạo PCLB & TKCN của xã thường xuyên duy trì chế độ trực 24/24h trong mùa mưa bão. Cùng với đó, triển khai những phương án cụ thể nhằm ứng phó kịp thời mỗi khi có mưa lớn kéo dài trên địa bàn. Đối với các khu dân cư nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, chính quyền địa phương đã chỉ đạo cho các ban ngành, đoàn thể phụ trách các thôn, bản, tổ dân cư chủ động sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn mỗi khi thời tiết có diễn biến xấu, theo phương châm “Chủ động phòng tránh – Đối phó kịp thời – Khắc phục hiệu quả”.
Do chủ động các phương án đối phó với thiên tai, lụt bão, nên trong những năm qua, trên địa bàn thị trấn Yến Lạc chưa để xảy ra thiệt hại về người mỗi khi mùa mưa lũ đến. Với sự quyết tâm và đồng lòng giữa chính quyền các cấp và người dân trong huyện đã và đang chủ động trong việc phòng chống những thiệt hại do mưa bão có thể gây ra. Đặc biệt là phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất thường xuyên xảy ra tại các địa phương cơ sở trong huyện.
Với tinh thần trách nhiệm cao, tin tưởng rằng, chính quyền các cấp cùng nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện sẽ thực hiện tốt công tác PCLB & TKCN, qua đó có thể giảm thiểu tối đa những thiệt hại do mưa lũ gây ra./.