Huyện Kim Sơn là vùng trọng điểm của bão số 8. Trước diễn biến phức tạp của bão, huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai các phương án nhằm đối phó với bão.
Theo báo cáo của huyện, tối ngày 27/10, huyện đã kêu gọi 150 phương tiện với 300 ngư dân vào nơi trú ẩn an toàn; kêu gọi, di dời 1.500 lao động từ đê BM2 đến đê BM3 ra cồn Nổi vào nơi trú ẩn an toàn. Trong đêm 27/10, huyện đã chỉ đạo các lực lượng tuần tra ngăn chặn kịp thời không cho lao động quay trở lại khu vực nguy hiểm, đề phòng có sự cố xảy ra ảnh hưởng đến tính mạng của người dân; đồng thời tuần tra canh gác đảm bảo an toàn tài sản cho nhân dân yên tâm tránh bão.
Có mặt trên tuyến đê BM3 lúc 5h sáng 28/10, đồng chí Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ đã ghi nhận và đánh giá cao công tác chủ động đối phó với thiên tai của cấp uỷ, chính quyền huyện Kim Sơn. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu huyện Kim Sơn tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động trong mọi tình huống, huy động mọi lực lượng, phương tiện... để đối phó hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra trong khi cơn bão hoạt động. Sau bão cần tích cực khôi phục sản xuất, không để ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn...
Cùng ngày, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã đi kiểm tra công tác đối phó với bão số 8 ở vùng sản xuất cây vụ đông của huyện Yên Khánh. Qua kiểm tra tại cánh đồng trồng cây vụ đông của xã Khánh Trung, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã đánh giá cao tinh thần chủ động tích cực đối phó với bão của nhân dân trong xã, trong huyện. Đồng chí nhấn mạnh: Yên Khánh tuy không phải vùng trọng điểm của bão, song cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn, nhất là diện tích cây vụ đông.
Đồng chí đã động viên nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy tinh thần chủ động đối phó với thiên tai; yêu cầu huyện và ngành chức năng tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để kịp thời thông báo tới nhân dân để chủ động triển khai phương án phòng chống. Sau khi bão tan, cần tiến hành khảo sát, thống kê thiệt hại về sản xuất vụ đông để có phương án triển khai khắc phục, đảm bảo ổn định sản xuất, giành vụ đông thắng lợi.
* Trước đó, ngày 27/10, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh; đồng chí Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác PCLB tại tuyến đê Bình Minh 3 (Kim Sơn).
Qua kiểm tra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của huyện Kim Sơn trong việc triển khai đối phó với bão số 8. Đồng chí yêu cầu huyện tiếp tục chỉ đạo bà con nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa mùa muộn; tích cực triển khai phương án di dân, đảm bảo 100% dân cư vùng bị ảnh hưởng của bão tránh trú bão an toàn. Triển khai phương án bơm tiêu nước đệm, chủ động chống úng khi bão đổ bộ vào đất liền, gây mưa lớn và ngập úng...
*Chiều ngày 27/10, Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đã họp triển khai phương án đối phó với bão số 8. Đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, sở, ngành, đoàn thể theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và triển khai các phương án đối phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn và lũ trên sông Hoàng Long nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do bão lũ gây ra.
Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Ninh Bình kiểm đếm, nắm chắc số lượng, thông tin về tầu thuyền đang hoạt động trên biển, tìm mọi biện pháp thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Huyện Kim Sơn, chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp bảo vệ lồng bè, khu nuôi trồng thuỷ sản, nhất là vùng bãi bồi ven biển huyện. Các địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, tỉa cây; rà soát, sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, bố trí đảm bảo lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, ứng phó kịp thời với các tình huống xấu có thể xảy ra.
Kiểm tra công trình hồ đập, công trình thi công dở dang, chủ động bố trí vật tư dự trữ, lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra. Công ty khai thác công trình thủy lợi đã mở cống để tiêu nước đệm, các trạm bơm sắn sàng bơm tiêu khi có mưa, úng . Các huyện, thị xã đã triển khai các phương án phòng chống lụt bão đã được phê duyệt. Bố trí trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của cơn bão số 8 để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống.
Đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các ngành, địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát ngăn chăn không cho người và phương tiện ra biển hoạt động. Kiểm tra việc chằng chống nhà cửa, kho tàng trường học, nhà dân trước khi bão vào. Phải có phương án giải quyết hậu quả ngay sau khi bão vào. Kiểm soát đảm bảo an toàn cho tất cả các tuyến đò ngang, dọc sông. Chuẩn bị thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ; đảm bảo an toàn lưới điện, đủ điện để các trạm bơm tiêu úng hoạt động.
Ban chỉ huy PCLB của các sở, ban, ngành, các huyện, thị, thành phố trực ban 24/24 giờ và báo cáo hàng giờ về Văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh. Các thành viên Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành đã được phân công phụ trách các huyện, thị xã, thành phố xuống địa bàn để chỉ đạo triển khai phương án đối phó với bão số 8.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và thị xã về việc chủ động đối phó với bão số 8, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Tam Điệp đã tiến hành chặt tỉa cành cây trên các tuyến phố và khu vực đông dân cư để đề phòng cây gãy đổ gây ra tai nạn và ách tắc giao thông. Đồng thời nạo vét, khơi thông một số tuyến mương, suối nội thị bị bồi lắng nhằm hạn chế ách tắc dòng chảy, kịp thời tiêu úng khi có mưa to. Ban chỉ huy PCLB các xã, phường thường xuyên thông báo trên hệ thống loa truyền thanh về tình hình diễn biến của bão để nhân dân nắm được, chủ động có các phương pháp ứng phó.
Thị xã cũng đã lập đoàn kiểm tra độ an toàn các công trình đang thi công, công trình trên cao, các pano quảng cáo tấm lớn. Phân công lực lượng công an giao thông thường xuyên túc trực trên Quốc lộ 1A để kịp thời phân luồng giao thông khi có mưa lớn gây ngập úng.
Đối với sản xuất nông nghiệp, toàn bộ diện tích lúa mùa của thị xã đã cơ bản thu hoạch xong, chỉ còn khoảng 50 ha đậu tương đông và một số ruộng cá ở các xã Đông Sơn, phường Tân Bình, xã Yên Sơn là có nguy cơ bị ảnh hưởng của mưa bão. Phòng kinh tế thị xã đã trực tiếp xuống hướng dẫn bà con mua lưới về chắn xung quanh ao đề phòng nước tràn bờ, đồng thời tiến hành tiêu kiệt nước đệm trên các ruộng đậu tương. Các trạm bơm tiêu úng chuẩn bị sẵn sàng phương tiện tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra.
Để chủ động ứng phó với bão số 8, Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Nho Quan đã phân công cán bộ xuống cơ sở chủ động triển khai phương án sơ tán dân ở những vùng sông, suối có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống đến nơi an toàn. Hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa và các công trình tập thể; kiểm tra hệ thống đê điều, hồ đập để có phương án ứng cứu kịp thời khi có mưa to, đặc biệt đề phòng trường hợp lũ dâng cao trên sông Hoàng Long. Vận hành thử các trạm bơm, cửa cống, kênh xả đáy; chuẩn bị sẵn sàng phương án 4 tại chỗ, vật tư, lương thực, thuốc men tại các khu vực đê, hồ xung yếu, khu vực có nguy cơ bị chia cắt... Lực lượng công an, quân đội, thanh niên túc trực 24/24h sẵn sàng đến các địa bàn trọng điểm giúp dân chống bão.
Hiện nay, toàn huyện vẫn còn khoảng 200 ha lúa mùa thuộc các xã vùng cao Kỳ Phú, Phú Long, Cúc Phương và một số ít của xã Sơn Thành, Thanh Lạc, Văn Phú chưa thu hoạch được. Cùng với đó là khoảng 1.900 ha cây vụ đông, trong đó có khoảng 50-100 ha có nguy cơ bị ngập úng khi lượng mưa trên dưới 100 mm. Phòng nông nghiệp huyện đã phối hợp với Công ty KTCTTL chủ động tiêu thoát nước đệm trong đồng và có biện pháp tiêu úng kịp thời để bảo vệ an toàn cho toàn bộ diện tích này. Đồng thời yêu cầu các HTX nông nghiệp thường xuyên kiểm tra những diện tích cây đông đã trồng để có biện pháp xử lý kịp thời khi mưa úng xảy ra.
* Đến nay, huyện Gia Viễn đã gieo trồng được trên 1.000 ha cây vụ đông với các cây trồng chính là khoai lang, đậu tương, rau màu các loại. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 8, huyện Gia Viễn đã có công điện khẩn thông báo với các xã, thị trấn, các đơn vị liên quan triển khai ngay phương án phòng chống lụt bão. Tổ chức tuyên truyền trên đài truyền thanh về diễn biến của cơn bão, các phương án phòng chống lụt bão đang được triển khai. Trong đó chú trọng vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản; các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, vật tư tại chỗ; đóng tất cả các cống qua đê và tháo kiệt nước diện tích ngoài đê. Huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại các địa phương, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những thiếu xót. Chỉ đạo Công ty KTCTTL kiểm tra máy móc, thiết bị... chuẩn bị sẵn sàng tiêu úng khi trường hợp mưa lớn gây ra ngập úng trên địa bàn.
* Đến ngày 26/10, huyện Yên Mô đã gieo trồng được 2.405 ha cây trồng vụ đông, trong đó có 611 ha ngô các loại, 85,7 ha lạc, 725,2 ha đậu tương, 325,6 ha khoai lang.... Để bảo vệ tài sản của nhà nước, nhân dân, nhất là bảo vệ diện tích cây đông đã trồng, huyện Yên Mô đã triển khai các biện pháp cấp bách trong công tác phòng chống lụt bã Tổ chức tiêu kiệt nước đệm các sông ngòi; tuyên truyền để nhân dân hiểu về tầm quan trọng của công tác phòng chống cơn bão số 8; tổ chức di dời các hộ dân ở vùng đê xã Yên Lâm, khu vực lòng hồ của Yên Đồng xong trước 8 giờ ngày 27/10; tổ chức kiểm tra các công trình, trạm bơm để sẵn sàng tiêu úng; hoành triệt các cống qua đê; khoanh vùng diện tích vụ đông để tiêu úng nhanh và kịp thời; các xã, thị trấn tổ chức lực lượng trực 24/24h tại các khu vực xung yếu, khu vực trọng điểm để kịp thời xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra.
* Xác định bão số 8 là cơn bão mạnh, hưởng trực tiếp đến địa phương, nên huyện Hoa Lư đã tập trung chỉ đạo các địa phương trong huyện tập trung phòng chống, chằng chống nhà cửa, các công trình công cộng. Huyện cũng đã thông báo kịp thời bằng văn bản và cử các đoàn kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo chống bão và yêu cầu các đơn vị triển khai ngay phương án phòng chống và túc trực 24/24 h. Riêng đối với nông nghiệp, đến thời điểm này, huyện đã hoàn tất, thu hoạch lúa mùa; cây vụ đông mới trồng được gần 54 ha, chủ yếu là ngô được trồng ở vùng đất màu, đất vàn cao nên không đáng ngại. Trước đó, việc tiêu kiệt nước đệm trong đồng cũng đã được huyện chỉ đạo các cụm thủy nông thực hiện.