Báo cáo của WWF về “Hành tinh sống” nhấn mạnh nhân loại hiện đang sử dụng vượt quá 50% nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Trái Đất có thể cung cấp. Từ năm 2008, nhân loại đã cần tới 18,2 tỷ hécta đất, nhưng Trái Đất chỉ có 12 tỷ hécta đất có thể canh tác. Ngoài ra, 55% nguồn đất đai cần dành cho rừng để thu nguồn khí thải cácbôníc (CO2) gây hiệu ứng nhà kính. Trái Đất cần 1,5 năm để tái tạo lại các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà con người đã sử dụng hàng năm, và nếu thế giới không nhanh chóng thay đổi cách thức sử dụng tài nguyên, vào năm 2030, ngay cả 2 Trái Đất như hiện nay cũng không thể đáp ứng được nhu cầu.
WWF kêu gọi thế giới khẩn cấp cắt giảm lãng phí và sử dụng các nguồn lương thực, năng lượng và nước bền vững hơn. Vào năm 2008, một người bình thường phải cần 2,7 hécta đất (về sản xuất sinh học) để sản xuất các nguồn lực tiêu dùng cho mình, trong khi khả năng sinh học của Trái Đất chỉ có thể cung cấp 1,8 hécta cho một đầu người. Biên độ về đất sinh học toàn cầu khác nhau theo từng nước, trong đó cao nhất là Cata 12 hécta/người, thấp nhất là Palextin chỉ chưa đầy 1 hécta/người. Với nhịp độ tiêu thụ hiện nay, các nguồn tài nguyên nhanh chóng cạn kiệt, thậm chí một số hệ sinh thái sẽ nhanh chóng biến mất trước cả khi các nguồn tài nguyên hoàn toàn cạn kiệt.
Nghiên cứu của WWF cảnh báo trong giai đoạn từ năm 1970 đến năm 2008, gần 30% đa dạng sinh học của Trái Đất đã biến mất. Theo khảo sát số lượng và mật độ của 26.88 loài động vật ở các khu vực khác nhau trên thế giới, đa dạng sinh học ở các khu vực nhiệt đới đã giảm tới 61% và ở các khu vực ôn đới giảm 31%. Đặc biệt, loài hổ hoang đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ dẫn một báo cáo của WWF, cho biết trong vòng 3 thập kỷ qua, 70% số lượng hổ hoang dã đã và đang biến mất dần trên Trái Đất. Cho đến nay, loài động vật quý hiếm này chỉ còn khoảng 3.200 cá thể sống trong tự nhiên. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do hổ bị con người săn bắt quá mức để thỏa mãn nhu cầu như lấy da, lông và nhiều bộ phận khác trên cơ thể để nấu cao, chế thuốc và làm đồ trang trí phục vụ con người. Theo đánh giá, số hổ bị tàn sát nhiều thường tập trung nơi có mật độ dân số cao, rừng thường bị tàn phá, khu vực không được bảo tồn. Con người không những săn bắt hổ mà còn tàn sát cả những con mồi của hổ, khiến cho nguồn sống của loài động vật ăn thịt này bị cạn kiệt.
Trước tình trạng trên, WWF và các tổ chức bảo tồn khác trên thế giới đặt mục tiêu vào năm 2020 tăng gấp đôi số lượng hổ hiện nay lên 6.000 cá thể. Đồng thời, WWF cũng cảnh báo về sự thiệt hại đang gia tăng của hệ sinh thái và các loài động vật hoang dã mà con người, đặc biệt là tại các nước có thu nhập thấp dựa vào để lấy nguồn thực phẩm, nhiên liệu, và nước sạch./.