Một nhóm các chuyên gia được Chính phủ Nhật Bản ủy quyền cho biết, nếu một cơn động đất có cường độ 9.0 độ richter xảy ra trong vùng lõm Nankai, chạy dài từ phía đông hòn đảo chính Honshu của Nhật Bản tới phía nam đảo Kyushu, có thể gây ra một cơn sóng thần với độ cao lên tới 34m
Dự báo về sóng thần mới được đưa ra cho thấy mức sóng thần đánh vào Tokyo có thể chỉ ở mức tối đa là 2,3m. Nhưng ở thành phố ven biển Kuroshio, hay trên đảo Shikoku, các cơn sóng thần có thể đạt mức tối đa là 34m. Trước đó, hồi năm 2003, một dự báo về độ cao tối đa của cơn sóng thần có nguy cơ xảy ra được các chuyên gia đưa ra thấp hơn tới 20m so với mức dự báo hiện nay.
Bản dự báo mới, được đăng trên website chính phủ Nhật Bản, được đưa ra dựa trên những nghiên cứu mới được thực hiện sau trận động đất và sóng thần xảy ra hồi tháng 3 năm ngoái, đã nhấn chìm hầu hết bờ biển phía đông bắc Nhật Bản và giết chết gần 19 nghìn người.
Thảm họa động đất sóng thần này, cùng với cuộc khủng hoảng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi xảy ra tiếp đó, đã buộc Nhật Bản phải xem xét lại toàn bộ khả năng phòng chống thiên tai của mình, cùng vô số những lời chỉ trích về những sai sót trong việc tính toán những nguy cơ tiềm tàng.
Cơn sóng thần đã khiến nhà máy điện hạt nhân 40 năm tuổi ngừng hoạt động, dẫn tới thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986. Hàng chục nghìn cư dân đã buộc phải rời khỏi khu vực nhiễm xạ và không biết bao giờ mới có thể quay trở lại.
Nhà máy điện Fukushima được thiết kế để có thể chịu được các cơn sóng thần có độ cao 6m. Tuy nhiên, đợt sóng thần đã tấn công nhà máy này hồi năm 2011 có độ cao lên tới 14m.