Thu giữ nước ngầm dưới chân đồi cát
Các đồi cát ven biển hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là nơi trữ nước mưa trong mùa mưa. Nước trữ ngầm trong đồi cát tạo dòng chảy ngầm ngấm dần dưới chân đồi. Nhưng nếu không có biện pháp lưu trữ, nguồn nước ngầm này nhanh chóng bị bốc hơi vì nắng nóng.
Lợi dụng khả năng tạo dòng chảy ngầm trong đồi cát, mô hình thu trữ nước ngầm bằng hệ thống ống hình xương cá và giếng tập trung đã được xây dựng tại xã Phước Hải (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận). Hệ thống thu nước bằng ống lọc có đường kính 5-10cm, chôn chìm dưới mực nước ngầm ít nhất 50cm. Nước được thu vào các đường ống dẫn về 4 giếng tập trung và tăng áp dọc theo chiều dài tuyến thu nước. Cuối cùng nước được dẫn về hệ thống bể lọc và phân phối cho các hộ gia đình.
Sau 4 năm thực hiện, hệ thống vận hành ổn định, mỗi ngày mùa khô thu được khoảng 20m3 nước, hệ thống không bị tắc. Tuy nhiên để mô hình này phát huy hiệu quả, phải có cơ chế rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm giữa các hộ dân, cộng đồng và chính quyền.
Mô hình này được đánh giá là một trong những giải pháp cấp nước chống hạn và phòng chống sa mạc hóa có tính khả thi cao ở những vùng đồi cát có nước ngầm ngấm ra chân đồi.
Trồng rừng chống cát bay, cát nhảy
Nạn cát bay, cát nhảy là mối đe dọa thường trực đối với cư dân vùng ven biển hai tỉnh này. Nhiều gia đình bỏ làng vì bị cát “chiếm”, “chiếm” đồng. Những tháng mùa khô, ăn ngủ cùng cát… Vào những tháng mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, gió mùa đông bắc thổi mạnh, thường xuyên, kéo theo cát, bụi bay trong không trung và bề mặt đất. Do thiếu hệ thống rừng vành đai chắn gió nên việc di chuyển dễ dàng của cát như vậy đã tràn lấp lên khu vực canh tác, các khu dân cư tập trung sinh sống hoặc tạo nên những cồn cát mới…
Nạn cát bay mù mịt tạo nên những triền cát, cồn cát di động gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống. Cát vùi lấp cây trồng, cát tràn lên các trục đường cản trở giao thông, cát lấn vào các khu dân cư…
Mô hình trồng cây chắn cát đã được thực hiện từ cách đây hơn 20 năm. Xã Chí Công (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đã trồng được 120 ha rừng phi lao và 25 ha hỗ giao giữa phi lao và nem, keo. Đến nay, rừng lên xanh tốt đã chấm dứt nạn cát di động, lấn vào nhà dân. Rừng trồng đã điều hòa nguồn nước, hạn chế quá trình hoang mạc hóa, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Mô hình trồng rừng chống cát bay, cát nhảy có khả năng nhân rộng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc sử dụng đất cát ven biển làm hồ nuôi tôm đã phá đi hàng chục ha rừng phi lao xanh tốt. Các cơ sở du lịch ven biển cũng lấn vào rừng. Gần đây là “phong trào” khai thác titan hủy diệt cây rừng. Đó là những thực trạng cần hạn chế, có quy hoạch bền vững nhằm bảo vệ rừng chắn cát.
Quy hoạch đồng cỏ cho chăn nuôi
Một trong những nguyên nhân gây hoang mạc hóa ở hai tỉnh này là chăn thả gia súc quá mức, tàn phá thảm thực vật đến mức cạn kiệt. Hai tỉnh đã tiến hành quy hoạch đồng cỏ, trồng cây thức ăn gia súc để kiểm soát chăn thả. Ninh Thuận từ không có diện tích đồng cỏ nay đã có 2.000 ha. Chuyển đổi chăn nuôi chăn thả sang bán chăn thả và có kiểm soát. Mô hình góp phần nâng năng suất và hiệu quả chăn nuôi, bước đầu tạo thói quen trong chăn nuôi.
Tuy nhiên để nhân rộng mô hình, cần chú ý đến quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, khả năng thực hiện của khu dân cư, nhận thức của người dân và cộng đồng…