Đợt mưa bão tháng 12/2011 vừa qua, triều cường đã đánh sập hoàn toàn 1 ngôi nhà, làm hư hỏng 48 nhà và đe dọa hàng chục ngôi nhà khác của thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn với chiều dài bờ biển bị sạt lở 1000m và lấn mất 10 hecta đất. Người dân đang lo lắng bởi đã sắp đến mùa mưa bão mà họ vẫn chưa được tái định cư và nơi đây cũng không có đê chắn sóng, trong khi triều cường có thể xuất hiện và cướp đi tính mạng, tài sản của họ bất cứ lúc nào.
Tại xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, cứ đến mùa mưa lũ thì hơn 200 hộ dân ở 2 thôn ven biển là An Chuẩn và Kỳ Tân luôn sống trong cảnh lo sợ. Ông Phan Văn Tỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi cho biết: Do tình trạng sạt lở bờ biển tại địa phương phức tạp nên từ năm 1996 đến nay, xã đã di dời gần 200 ngôi nhà ven biển vào vùng an toàn. Thế nhưng vẫn còn có rất nhiều hộ dân vì điều kiện kinh tế quá khó khăn nên không thể di dời.
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, Đê điều và PCLB Quảng Ngãi: Ở cả 5 huyện ven biển và huyện đảo Lý Sơn đều có hiện tượng sạt lở bờ biển, với chiều dài 29,5km. Nghiêm trọng nhất là sạt lở ở thôn An Cường, xã Bình Hải, Bình Sơn và xã Đức Lợi, Mộ Đức… Những điểm sạt lở này đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản, thậm chí là đe dọa tính mạng của hàng nghìn người dân.
Ông Nguyễn Thanh Lạc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Đê điều và PCLB tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Nguyên nhân của việc sạt lở bờ biển là do ảnh hưởng của dòng hải lưu, thủy văn ở các cửa sông, cửa biển và sự tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, chính con người là nhân tố tạo điều kiện cho bờ biển ngày càng sạt lở nghiêm trọng bởi việc chặt phá rừng chắn sóng và khai thác quá mức các rặng đá san hô ven biển. Biện pháp tối ưu nhất để phòng chống sạt lở chính là xây kè chắn sóng và trồng rừng ven biển. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền cho người dân địa phương có ý thức bảo vệ, không chặt phá rừng ngập mặn, chắn sóng.
Tuy nhiên, công tác phòng chống sạt lở của Quảng Ngãi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vốn đầu tư để xây dựng các công trình đê điều, kè chắn sóng. Ngoài ra, việc tạo quỹ đất phục vụ cho việc di dời dân cư đến khu vực an toàn cũng là vấn đề khó khăn. Hiện nay, tỉnh đang gấp rút lập đoàn công tác kiểm tra thực tế sạt lở trên toàn tuyến nhằm phân loại mức độ nguy hiểm để tìm giải pháp phù hợp.