|
Hướng đi và vị trí bão số 1 - Ảnh Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ |
Theo báo cáo nhanh ngày 31/3/2012 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tỉnh Bình Thuận có 33 điểm dân cư với 7.134 hộ/31.610 nhân khẩu phải sơ tán, di dời khi có bão đổ bộ trực tiếp.
Các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Long An Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh đã có phương án sơ tán, di dời ở các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Theo báo cáo, tính đến 6h30 ngày 31/3 đã thông báo được tổng số 48.575 tàu, thuyền và 230.324 lao động biết vị trí, diễn biến của bão.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình thủy lợi – Tổng cục Thủy lợi, các hồ chứa thủy lợi hiện tại vẫn an toàn. Tuy nhiên do chưa cấp nước tưới vụ Hè Thu nên mực nước nhiều hồ chứa ở Nam Trung Bộ còn ở mức cao, dung tích trữ đạt 70-90% thiết kế; một số hồ chứa xấp xỉ đầy như Hóc Răm (Phú Yên) 99%, Đồng Tròn (Phú Yên) 94%, Vạn Hội, Hội Sơn (Bình Định) 93%, các hồ chứa ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ còn ở mức thấp.
Các hồ thủy lợi, thủy điện lớn trong khu vực miền Nam vẫn hoạt động bình thường.
Bão đi vào địa phận Bình Thuận – Bến Tre
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 7 giờ ngày 31/3, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,9 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 120km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 1 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10km. Đến 7 giờ ngày 1/4, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,0 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển Bình Thuận – Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 1 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào địa phận Bình Thuận – Bến Tre và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 7 giờ ngày 2/4 vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông trên vùng biên giới Việt Nam – Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bến Tre (bao gồm cả khu vực đảo Phú Quý) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.
Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bến Tre từ chiều nay (31/3) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến miền Bắc
Ngoài ra, sáng nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ.
Ngày và đêm nay (31/3), không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông; gió đông bắc trong đất liền cấp 3 - 4, vùng ven biển cấp 5, giật cấp 6 - 7.
Ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9. Biển động mạnh. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời trở rét.