Theo ghi nhận của PV, nặng nhất là bờ biển thuộc khu vực xã Vinh An, Vinh Hải, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc); Hải Dương, Thuận An, Phú Thuận (huyện Phú Vang) với chiều dài bờ biển bị ăn sâu hơn 8km. Cũng tại khu vực này, xói lở bờ biển đã làm sập 40m tường rào khu Resort Ana Mandara (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang); hư hỏng 2 mõ hàn mềm thuộc tuyến kè biển Phú Thuận và toàn bộ khu nuôi tôm giống xã Phú Thuận, huyện Phú Vang.
Tại các tuyến đê ngăn mặn thuộc đê Tây phá Đông qua xã Phú An, Phú Mỹ; đê Đông phá Đông Phú Diên (huyện Phú Vang); đê Tây phá Tam Giang, đoạn qua xã Hương Phong (huyện Hương Trà); đê Tây phá Cầu Hai đoạn qua các xã Lộc An, Lộc Điền (huyện Phú Lộc) cũng bị sạt lở, xuống cấp trên 15 km, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Có mặt tại thôn Tân Lập (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) và chứng kiến từng đợt sóng biển dữ dội, dâng cao từ 1 đến 2m nối tiếp nhau đẩy vào bờ. Chính những con sóng biển này là tác nhân chính đã ăn sâu vào các công trình thuộc trại nuôi tôm giống Hà An. Theo ông Hồ Ngọc Vân, chủ trại tôm giống Vân Nam, những ngày sau lũ, sóng biển cứ dồn dập đổ về khiến rất nhiều công trình, hồ chứa bê-tông và cả nhà cửa của trại nuôi tôm giống đã bị cuốn trôi xuống biển. Nhiều người dân tiếc nuối đã cùng nhau dùng dụng cụ đập bê-tông để lấy sắt thép, giành giật với sóng biển. “Mấy tháng trước đây, trại giống này cách bờ biển cả hàng trăm mét nhưng nay thì đã bị sóng biển ăn sâu vào bờ, chỉ còn vài mét nữa thôi là bị biển cuốn mất”, ông Vân cho biết.
Biển từng ngày ăn sâu vào đât liền trong sự lo lắng của người dân khiến cuộc sống của họ đang bị đe dọa và phải giành giật từng ngày với con sóng hung dữ để cứu vớt những gì còn sót lại của các công trình dân sinh trước khi bị biển cuốn mất.