Phó Thủ tướng lưu ý, Đề án này phải đạt các yêu cầu: Khi họp trực tuyến giữa Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tất cả các quận, huyện và xã có thể theo dõi thời gian thực hình ảnh của điểm cầu Hà Nội (như được ngồi dự ở Hà Nội).
Đồng thời, khi Thủ tướng yêu cầu, đầu cầu Hà Nội có thể trao đổi có hình, có tiếng với một huyện, một xã nào đó trong cả nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý rằng Đề án của Bộ Thông tin và Truyền thông cần xác định lộ trình, thời gian thực hiện các yêu cầu trên.
Trong đó, phấn đấu trong năm 2011 thực hiện được yêu cầu họp trực tuyến giữa Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tất cả các quận huyện và xã có thể theo dõi được hình ảnh từ điểm cầu Hà Nội, đồng thời đầu cầu Hà Nội có thể trao đổi có hình, có tiếng với một huyện nào đó trong cả nước.
Đến đầu năm 2012, các cuộc họp trực tuyến này phải đáp ứng được yêu cầu là từ đầu cầu Hà Nội, có thể trao đổi có hình, có tiếng với một xã nào đó trong cả nước.
Theo thông tin từ website Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ này cũng đang gấp rút triển khai Đề án "Tổ chức họp trực tuyến từ Trung ương đến tận cấp xã, phường". Cụ thể, trên cơ sở xem xét tổng quan hiện trạng cơ sở hạ tầng, trình độ quản lý, nhu cầu sử dụng của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến hai dự án thành phần.
Một là “Triển khai Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ trung ương đến các quận/huyện trong cả nước”. Theo dự án này, phạm vi thực hiện gồm 30 cơ quan, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, 63 cơ quan các tỉnh, thành phố trung ương, 698 cơ quan các quận, huyện. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được phát triển từ trung ương cho đến tận các quận, huyện trong cả nước.
Dự án hai là “Thiết lập hệ thống đường điện thoại có hình trực tiếp từ trung ương đến các xã”, tập trung trước hết cho các xã vùng biên giới...