|
Hiện tượng xâm thực của đại dương do hiện tượng nước biển dâng đang là mối lo lớncủa nhân loại (Ảnh BTA) |
Các nhà khoa học Đức đã lên tiếng kêu gọi các chính trị gia phải hành động ngay để chống lại sự biến đổi của khí hậu toàn cầu. Theo các nghiên cứu và dự báo khoa học, đến năm 2300, mực nước biển có thể dâng lên mức 4m bất chấp việc các chính trị gia đưa ra những quyết sách đúng đắn ngay từ đầu thế kỷ XXI
Hiện tượng xâm thực của các đại dương sẽ không thể được khống chế chừng nào nhân loại vẫn loay hoay với việc làm chậm quá trình nóng lên của trái đất. Nhìn lại quá khứ, điều dễ nhân thấy rằng, những biện pháp được nhân loại áp dụng để bảo vệ các đại dương phải sau 50 năm mới phát huy hiệu quả. Điều này cũng sẽ lặp lại đối với những biện pháp bảo vệ khí hậu toàn cầu mà chúng ta đang áp dụng. Tuy nhiên, phải sau 200 năm những biện pháp này mới đem lại hiệu quả rõ rệt. Điều này càng cho thấy vấn đề tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu càng trở lên cấp bách hơn bao giờ hết.
Theo số liệu thống kê, do những xáo trộn về môi trường do ô nhiễm con người gây ra, chỉ trong thập kỷ đầu thế kỷ 21, đã có gần 4.000 thảm họa tự nhiên, ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 2 tỷ người trên Trái Đất. Nếu không có những cải cách tức thời, con số thảm họa này sẽ tăng gấp đôi trong ít nhất 10 năm tới.
Sau 40 năm ra đời Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (1972 - 2012), 20 năm thực hiện "Tuyên bố Rio" (1992 - 2012), các quốc gia dù vẫn nhiệt thành tham gia nhưng sự phân hóa quan điểm ngày càng lộ rõ, và chất lượng môi trường vẫn không có chuyển biến đáng kể, nếu không muốn nói là xấu dần. Các vấn đề bức bách về an ninh phi truyền thống như an ninh con người, an ninh lương thực, sự cách biệt giàu nghèo và xuống cấp về môi trường ngày càng trở nên trầm trọng.
|
Biến đổi khí hậu sẽ gây ra những hậu quả khôn lường (Ảnh BTA) |
Mục tiêu của cộng đồng quốc tế trong việc hạn chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu là giữ ở mức tăng 2 độ C cho đến hết thế kỷ này. Một số tổ chức bảo vệ môi trường còn muốn kiềm chế mức tăng này chỉ ở 1,5 độ C. Những mục tiêu này liệu có thể trở thành hiện thực hiện đang là câu hỏi lớn đối với nhân loại. Các nhà khoa học thuộc tổ chức về môi trường có tên gọi “Nghiên cứu khí hậu toàn cầu” có trụ sở ở Berlin và Viện Nghiên cứu sự biến đổi của khí hậu ở Podstdam (Đức), khẳng định rằng, cho đến thời điểm hiện tại, những lời hứa hào phóng và những cam kết “chắc nịch”của các nhà chính trị vẫn chưa được hiện thực hoá bằng bất cứ quyết định cụ thể nào. Trong khi đó, những văn kiện nền tảng cho chiến lược toàn cầu vì môi trường lại đang lung lay tận gốc, khi xuất hiện thêm nhiều quốc gia muốn rút khỏi các Nghị định thư do không đảm bảo được chỉ tiêu môi trường của mình. Do tính ràng buộc không cao, nên việc rút khỏi một Nghị định thư quốc tế không phải là một điều khó khăn.
Theo các nhà khoa học, đến năm 2100, mực nước biển dâng hằng năm sẽ gấp 3 lần hiện nay, tức là vào khoảng 9 đến 10 mm/năm. Nếu ngay từ bây giờ chúng ta không đánh giá đúng, không có những biện pháp hữu hiệu chống lại sự biến đổi của khí hậu toàn cầu thì xu hướng này sẽ diễn ra như một tất yếu trong tương lai.
Thời gian không chờ đợi bất kỳ ai, sự nóng lên của khí hậu toàn cầu cùng với hiện tượng nước biển dâng cũng vậy – không chờ quyết định của các chính trị gia. Vì vậy,, vấn đề cấp bách hiện nay là tất cả các quốc gia phải bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện những cam kết chính trị mà các chính phủ đã đưa ra, tập hợp trong văn bản “Tương lai mà chúng ta mong muốn” của Hội nghị Rio+20 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc./.