|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Thông điệp làm sáng tỏ những lợi ích do thông tin thời tiết, khí hậu và nước mang lại cho các ngành kinh tế, xã hội, triển vọng coi khí hậu như một loại tài nguyên để tăng cường sức mạnh cho phát triển bền vững. Giảm nhẹ rủi ro thiên tai là nhiệm vụ, là ưu tiên hàng đầu của Tổ chức Khí tượng thế giới khi mà số lượng các cộng đồng dễ bị tổn thương đang tăng lên trong thập kỷ qua.
Ngoài ra, thông điệp cũng khuyến nghị các nước cần tăng cường năng lực, phát triển nghiên cứu, mạng lưới quan trắc và công nghệ dự báo để cung cấp kịp thời các thông tin có chất lượng tốt hơn về thời tiết, nước và dịch vụ khí hậu, nhằm mục tiêu ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp, cũng như để phục vụ các hoạt động kinh tế-xã hội.
Điều này rất sát thực với Việt Nam, một nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Chỉ tính trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn… làm chết và mất tích hơn 9.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.
Để góp phần phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020," đề án “Hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn giai đoạn 2010-2012."
Bộ cũng đã xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, trong đó tập trung nâng cao năng lực dự báo bão, lũ, hạn hán, động đất, cảnh báo sóng thần và các hiện tượng khí tượng, thủy văn nguy hiểm, giám sát biến đổi khí hậu.
Ngành phối hợp cung cấp thông tin để các bộ, ngành và địa phương chủ động ứng phó với tác động của thiên tai, để các thông tin này trở thành nguồn tài nguyên phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội đất nước./.