4 ngày sau khi vụ sạt lở do ảnh hưởng của mưa lốc gây ra, chị Trương Thị Huệ, thôn Nà Coóc, xã Bộc Bố vẫn chưa hết hoang mang, lo lắng. Mưa to khiến phần đất phía sau nhà của gia đình chị Huệ bị trượt sạt, kéo theo nhiều công trình phụ bị đổ sập. Chị Huệ cho biết: Toàn bộ công trình phụ của gia đình gồm nhà bếp, bể khí biogas, chuồng lợn của đã bị sập đổ hoàn toàn vì đất trượt sạt, ước thiệt hại vài trăm triệu đồng. Cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều sau sạt lở.
Do cùng nằm trên khu đất bồi bị trượt sạt nên phần công trình phụ của gia đình anh Hoàng Văn Chiến và 2 hộ dân khác, cùng trụ sở của một doanh nghiệp cũng bị hư hỏng nặng. Để đảm bảo an toàn, gia đình anh Chiến đã phải di trú tạm nhà người thân.
|
Mưa lốc gây nhiều thiệt hại về tài sản cho các hộ dân thôn Nà Coóc, xã Bộc Bố |
Trong thời điểm nguy cấp, lực lượng chức năng của xã Bộc Bố và huyện Pác Nặm đã có mặt kịp thời để hỗ trợ người dân sơ tán tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm. Đồng thời bố trí chỗ ở tạm thời, cắt cử người trông coi tài sản giúp các hộ dân vượt qua thời điểm khó khăn.
Còn tại thôn Khâu Vai, mưa to kéo dài cũng khiến đất, đá sạt lở vào 2 nhà hộ dân. Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền xã Bộc Bố đã chỉ đạo cho lãnh đạo thôn Khâu Vai huy động người dân trong thôn giúp 2 hộ dân khắc phục thiệt hại. Nhờ vậy, cuộc sống của 2 hộ dân ở Khâu Vai đã dần ổn định. Cùng với Bộ Bố, cấp ủy, chính quyền địa phương các xã có thiệt hại về nhà ở là Cổ Linh, An Thắng cũng đã triển khai các biện pháp giúp người dân khắc phục thiệt hại.
Không chỉ gây thiệt hại về nhà cửa, mưa lốc còn ảnh hưởng rất lớn đến các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện. Cụ thể, tuyến đường 258B bị sạt lở khoảng 1.000 m3 đất, đá; tuyến đường Bộc Bố – Bằng Thành sạt lở khoảng 500 m3; tuyến đường Cổ Linh – Cao Tân sạt lở 500 m3. Để đảm bảo giao thông trên tuyến đường huyết mạch 258B, ngay sau khi mưa lốc kết thúc, huyện Pác Nặm đã phối hợp cùng Ban quản lý dự án Giao thông tỉnh (chủ đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh ĐT 258B) huy động máy móc san gạt đất, đá gây tắc trên đèo Kéo Pjảo.
Nói về thiệt và biện pháp khắc phục do mưa lốc gây ra, đồng chí Vi Thị Thúy – Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết: Thống kê nhanh do các địa phương báo cáo cho biết: Thiệt hại do mưa lốc gây ra tối ngày 30/6, rạng ngày 1/7, trên địa bàn huyện Pác Nặm khoảng 1,4 tỷ đồng, gồm 13 nhà ở của 3 xã An Thắng, Cổ Linh, Bộc Bố bị sạt lở ta luy; sạt lở khoảng 2.000 m3 đất, đá trên 3 tuyến đường; hư hỏng 3 công trình thủy lợi của xã Nhạn Môn và An Thắng; gãy 2 cột điện tại xã Cổ Linh; gây thiệt hại giảm năng suất khoảng 2 ha lúa xuân và ngô. Do có sự chủ động phòng, chống và thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” đã hạn chế được mức độ thiệt hại, cũng như nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lốc.
Hiện tại, huyện đã chỉ đạo cho các địa phương thống kê chính xác mức độ thiệt hại về tài sản, hoa màu, khi có nguồn huyện sẽ xem xét hỗ trợ. Đồng thời tiếp tục triển khai các biện pháp giúp người dân khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống. Riêng đối với những thiệt hại về nhà ở tại xã Bộc Bố, huyện sẽ cấp nhà bạt ở tạm thời cho những hộ có nhu cầu. Đồng thời kiên quuyết không cho các hộ dân này ở trong những ngôi nhà có nguy cơ sạt lở, sập đổ cao, nhất là khi trời mưa. Về lâu dài, huyện sẽ nghiên cứu bố trí tái định cư cho các hộ dân ở khu vực an toàn hơn./.