Gần tròn một năm sau thảm họa, Nhật Bản vẫn quay cuồng với hậu quả trận động đất và sóng thần vào ngày 11.3.2011 cùng cuộc khủng hoảng hạt nhân đi kèm với các đợt rò rỉ phóng xạ.
Thảm họa để lại những trăn trở lớn lao cho một quốc gia vốn mòn mỏi bởi hai thập kỷ hụt hơi về kinh tế, sự già cỗi của dân số, tình trạng tê liệt về chính trị và sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng dẫn đến sự thay đổi hàng ngũ lãnh đạo ở Nhật Bản khi đảng Dân chủ cầm quyền bầu ông Yoshihiko Noda làm thủ tướng mới vào tháng 8.2011. Ông Noda trở thành thủ tướng thứ 6 trong vòng 5 năm. Là một cựu bộ trưởng Tài chính, ông thay thế ông Naoto Kan, người không thể tạo ra động lực để đưa Nhật Bản gượng dậy sau thảm họa và buộc phải từ chức.
Ông Noda đã đi khác hướng với ông Kan trong một vấn đề hệ trọng đối với tương lai đất nước.
Trong khi ông Kan kêu gọi chấm dứt điều được ông gọi là sự phụ thuộc của Nhật Bản vào điện hạt nhân, ông Noda đã nghe theo tiếng nói của cộng đồng doanh nhân rằng Nhật Bản cần năng lượng hạt nhân để tránh thiếu hụt điện năng vốn có thể làm tê liệt nền kinh tế thêm nữa.
Nước cuốn trôi các ngôi nhà trong thảm họa động đất, sóng thần vào ngày 11.3.2011 ở Nhật Bản - Ảnh: Reuters |
Vào tháng 12, ông Noda thông báo các chuyên gia đã kiểm soát được những lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, tuyên bố chấm dứt thảm hoạ hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ vụ Chernobyl.
Tuy nhiên, đối với nhiều người dân ở Fukushima, cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc. Nhiều gia đình vẫn phải ly tán và thậm chí khi chính phủ hủy bỏ lệnh sơ tán tại một vài nơi, một số người dân vẫn từ chối trở về nhà.
Một năm sau thảm họa hạt nhân, 52 trong số 54 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã được tắt và hiện không rõ cho đến khi nào chúng sẽ được tái khởi động. Với việc lò phản ứng cuối cùng sẽ được ngưng hoạt động vào tháng 4 tới, Nhật Bản, một trong những nước đi đầu về năng lượng hạt nhân, sẽ tạm thời đóng cửa một ngành công nghiệp từng sản xuất một phần ba số lượng điện năng của đất nước.
Với những lựa chọn ít ỏi, Thủ tướng Noda đã kêu gọi tái khởi động các nhà máy càng sớm càng tốt, nói rằng ông ủng hộ quá trình loại bỏ điện hạt nhân trong vài thập kỷ. Tuy nhiên, lo ngại về sự chống đối của công luận, ông khẳng định sẽ không tái khởi động các lò phản ứng mà không có sự ủng hộ của các lãnh đạo cộng đồng địa phương.
Cho đến nay, Nhật Bản đã xoay xở thành công để tránh thiếu điện, một phần nhờ vào những chương trình quyết liệt bao gồm việc tắt máy điều hòa nhiệt độ vào mùa hè và tắt đèn điện ở công sở vào ban ngày. Nước này cũng đẩy mạnh sản xuất tại những nhà máy điện quy ước vốn sử dụng nguồn khí đốt đắt đỏ.
Việc mất đi nguồn điện hạt nhân gây tổn thất cho Nhật Bản theo một cách khác: Các nhà kinh tế cho rằng giá năng lượng cao là nguyên nhân gây ra lần thâm hụt thương mại đầu tiên của Nhật Bản trong hơn ba thập kỷ, khiến đồng yen suy yếu và làm gia tăng những lo ngại về tương lai của nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.
Về hậu quả kinh tế, Chính phủ Nhật Bản hiện ước lượng thiệt hại vật chất của thảm họa là 300 tỉ USD.
Về góc độ con người, động đất và sóng thần làm thiệt mạng 15.846 người và 3.317 người vẫn đang mất tích, theo số liệu mới nhất của cảnh sát Nhật Bản. Các nơi trú ẩn vẫn đang chật vật để chứa 341.411 người sơ tán ngay sau thảm họa và cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo theo. Hơn thế nữa, tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản đã gia tăng trong một năm qua như hậu quả của động đất, sóng thần.
Một bờ đê ở thành phố Miyako hứng chịu sóng thần (trên) hiện đã được sửa sang - Ảnh: AFP |
Trong nhiều khía cạnh, Nhật Bản đang trên đường hồi phục từ thảm họa kép. Các thị trấn vùng duyên hải đông bắc từng bị những con sóng san bằng đã dọn dẹp hàng triệu tấn rác và đang bắt đầu quá trình tái thiết.
Tuy nhiên, sự cố hạt nhân ở Fukushima để lại nhiều ảnh hưởng hơn cả. Nhật Bản chỉ mới bắt đầu điều được hứa hẹn là quá trình dọn dẹp phóng xạ kéo dài hàng thập kỷ tại những vùng sơ tán xung quanh nhà máy, nơi gần 90.000 cư dân mất nhà cửa.
Quốc gia này cũng đang dò dẫm tìm những cách thức hiệu quả để theo dõi sức khỏe và bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm khỏi bị nhiễm lượng phóng xạ từ sự cố hạt nhân vốn làm thoát ra khoảng một phần năm lượng phóng xạ cesium rò rỉ trong thảm họa Chernobyl vào năm 1986.
Với Cơ quan Tái thiết mới được thành lập, quy mô của quá trình dọn dẹp vẫn khiến nhiều người nản lòng sau một năm. “Rắc rối nghiêm trọng nhất là cách xử lý lượng rác rến khổng lồ”, nghị sĩ phụ trách tái thiết của quốc hội Kazuko Kori nói với tờ Yomiuri Shimbun.
Theo số liệu của bộ Môi trường, tỉnh Miyagi có 15,68 triệu tấn rác. Chỉ riêng việc phân loại rác đã cần đến lượng nhân công hằng ngày là 1.000 người, theo tỉnh trưởng Miyagi Yoshishio Murai.
Một người phát ngôn của Cơ quan Tái thiết, tổ chức được thành lập vào ngày 11.2.2012, nói những thách thức khác bao gồm việc tái xây dựng khu dân cư ở nơi cao, tạo công ăn việc làm những người mất nghề nghiệp và điều trị tâm lý cho các nạn nhân.
Trong khi cơ quan mới được hy vọng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái thiết, nhiều người thắc mắc tại sao cần phải mất gần một năm để thành lập cơ quan này.
Tỉnh trưởng Fukushima Yuhei Sato từng nói với truyền thông Nhật Bản trong thời gian gần đây rằng cơ quan mới là “một bước tiến”. Tuy nhiên, ông bổ sung: “Từ góc độ của các nạn nhân, tôi không thể ngăn mình thắc mắc tại sao họ không thể thành lập cơ quan này nhanh chóng hơn?”.
Trong khi đó, nỗ lực chính thức được sự giúp đỡ của hàng trăm tổ chức từ thiện vốn làm đủ mọi thứ từ dọn rác, xúc bùn cho đến cung cấp những chỉ dẫn tâm lý.
Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản hiện chia rẽ về tính hiệu quả của chi phí tái thiết những thị trấn và cở sở hạ tầng. Một số người nói rằng đã đến lúc để bỏ các thị trấn và ngôi làng dọc theo bờ biển vốn hứng chịu quá nhiều sóng thần trong hàng thế kỷ.
Trong con mắt của Hội Chữ thập đỏ, Nhật Bản đã phí phạm cả một năm kể từ thảm họa với dự báo hơn 250.000 người sống sót sẽ phải tiếp tục sống tại những nơi cư trú tạm bợ thêm 5 năm nữa.
Hội này chê trách việc chính phủ không đồng thuận với các quan chức địa phương về cách thức tái thiết những khu vực gánh chịu thảm họa. “Nếu không đạt được thỏa thuận về kế hoạch chung, rất khó để có thể bắt đầu quá trình tái thiết”, ông Taduteru Konoe, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, phát biểu.