Thừa Thiên - Huế có đường bờ biển dài 127km, trong đó có hơn 30km thường xuyên bị sạt lở, tập trung ở các xã: Phong Hải (huyện Phong Điền), Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), Hải Dương (huyện Hương Trà), thị trấn Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên (huyện Phú Vang), Vinh Hải, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc). Đặc biệt, vùng quanh hai cửa biển Thuận An và Tư Hiền xói lở mạnh nhất, làm thay đổi môi trường tự nhiên khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, ảnh hưởng đến đời sống và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Vùng biển Hải Dương - Thuận An - Hòa Duân (thuộc hai huyện Hương Trà và Phú Vang) trong mấy năm gần đây bị xâm thực và sạt lở nặng nề. Bình quân hàng năm biển lấn sâu vào đất liền khoảng 5m đến 10m, có nơi sâu vào đất liền 30m. Đặc biệt tại khu vực Hải Dương - Hòa Duân, sạt lở diễn ra nghiêm trọng, biển xâm thực sâu hơn 100m, trên tổng chiều dài 4 km, làm hư hại các công trình hạ tầng cơ sở nhà nước và nhân dân, làm sập đổ cột đèn hải đăng. Hàng loạt nhà nghỉ bãi tắm Thuận An, nhà ở của dân bị cuốn trôi ra biển, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực. Quanh cửa Tư Hiền (huyện Phú Lộc) bị biến động bởi những bồi xói cục bộ diễn ra mạnh mẽ. Tại thôn Phú An, xã Vinh Hiền, xói lở diễn ra trên chiều dài 440m, diện tích sạt lở 0,76ha và tốc độ xói trung bình khoảng 17m/năm. Đoạn bờ đối diện với đoạn bờ thôn Phú An qua lạch cửa Tư Hiền cũng bị sạt lở, diện tích 0,5ha, chiều dài 200m, tốc độ xói trung bình là 25m/năm. Trên sông Hương, sông Bồ, các đoạn sạt lở bờ sông cũ chưa khắc phục được, đã phát sinh thêm các điểm mới sau mỗi mùa mưa bão, với tổng cộng khoảng 1,5 km, làm mất khoảng 3,5ha đất ở, đất nông nghiệp; gây hư hỏng các tuyến đường giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng dọc bờ sông.
Tỉnh chỉ đạo các địa phương trong vùng sạt lở ven biển huy động nhân dân dùng bao cát, đá làm kè, trồng cây chắn sóng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Nhiều địa phương trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra cũng đã tăng cường các phương tiện cứu hộ cứu nạn như ghe, áo phao cứu sinh… cho đội xung kích tại cơ sở để chủ động trong ứng cứu người dân vùng thiên tai lụt bão đến nơi an toàn. Tuy nhiên, về lâu dài, chỉ có kè chắn sóng bằng đá hộc ven sông, ven biển hoặc thực hiện phương án di dời tái định cư để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong mùa mưa bão...