|
Cơn lốc xoáy điển hình bên bờ biển nước Mỹ. (Ảnh: TP) |
Nhiều bộ phận dân cư thế giới đang phải sống bên bờ vực của các thảm họa vì các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng về tần số và cường độ ở nhiều khu vực trên toàn cầu. Chỉ cần sự tăng nhỏ về tần số hoặc cường độ các hiện tượng này vượt ngưỡng hoặc vượt điểm giới hạn của cơ sở hạ tầng cũng có thể gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cho hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hành. Báo cáo dự báo tốc độ gió tối đa của các cơn lốc xoáy nhiệt đới sẽ mạnh lên mặc dù có thể không đồng đều trên các khu vực đại dương nhưng tần số của các cơn lốc xoáy này có thể giảm đi hoặc về cơ bản không thay đổi.
Các nhà khoa học của IPCC cũng dự báo Trái Đất nóng lên còn gây ra nhiều thay đổi khác trong các hiện tượng thời tiết cực đoan như làm tăng các đợt nóng và nhiệt độ nóng kỷ lục trên thế giới cũng như các trận mưa lớn khủng khiếp ở Alaxca (Alaska, Mỹ), Canađa, Bắc và Trung Âu, Đông Phi và Bắc Á. Các nước trên thế giới đều phải trải qua các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai hiện đã là hiểm hoạ. Bão lốc Katrina năm 2005 nhấn chìm cả thành phố Niu Olin (New Orleans) của Mỹ cho thấy các nước phát triển cũng không tránh khỏi các thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng do nguy cơ dễ bị tổn thương xã hội và ngăn ngừa thiên tai không thích hợp. Thiệt hại về tài sản do bão lốc và nước biển dâng cao tại các khu vực ven biển của Mỹ có thể tăng tới 20% vào năm 2030, thậm chí tăng gấp đôi vào năm 2080. Thiệt hại do các sự kiện thời tiết cực đoan trên toàn cầu trung bình hàng năm hiện đã lên tới 80 tỷ USD.
Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) Misen Giarô (Michel Jarraud) và Tổng Giám đốc Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) Akhim Xtênnơ (Achim Steiner) khẳng định Báo cáo đặc biệt của IPCC đã định hình thách thức toàn cầu mới về các sự kiện thời tiết và khí hậu cực đoan như là vấn đề trọng tâm của quá trình hoạch định chính sách của mỗi nước và toàn cầu./.