Nhiều tuyến đường tại TP HCM đã ngập sâu trong nước. Theo dự báo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP HCM, mực nước trên sông Sài Gòn tại trạm Phú An chiều 26/11, đạt đỉnh ở mức 1m56 vào lúc 18h và trời có thể có mưa cùng lúc với đỉnh triều nên có thể gây ngập ở nhiều nơi.
|
Triều cường đã biến đường Lương Định Của thành sông khiến nhiều xe chết máy (ảnh: Pháp luật) |
Tối 25 và rạng sáng 26/11, khi triều cường lớn và lên nhanh, vượt hơn dự báo đã gây ngập nhiều tuyến đường và các con hẻm tại các quận 2, quận 8, quận Thủ Đức…
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, có 12 khu vực bị ngập do triều cường. Tuy nhiên, nhờ chủ động phòng chống nên thiệt hại từ đợt triều cường tối qua và rạng sáng 26/11không nhiều. Ngay sau khi đỉnh triều rút, các địa phương thường bị ngập như: Phường Thạnh Lộc, quận 12, phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức… đã nhanh chóng bắt tay vào việc gia cố bờ bao, chuẩn bị sẵn vật tư, vật liệu, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Theo dự báo, mực nước cao nhất trong ngày 26/11 tại vùng hạ lưu sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch khu vực TP HCM đang ở mức cao và giảm chậm trong hai ba ngày tới. Vì vậy, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Thành phố đã đi kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác gia cố bờ bao, thông báo cho người dân biết tình hình để chủ động ứng phó, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do triều cường gây ra.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ về những diễn biến của đợt triều cường này.
PV: Xin ông cho biết về diễn biến của đợt triều cường đang diễn ra trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai?
Ông Nguyễn Minh Giám: Đợt triều cường này xảy ra mực nước tại Phú An đạt 1,58 m vào ngày 25/11 và đến sáng 26/11 là 1m60 sau đó xuống còn 1m57.
So với số liệu từ trước tới nay, đây là đợt triều cường cao nhất và làm cho nhiều vùng ở thành phố Hồ Chí Minh bị ngập lụt. Trong 2 ngày (25 và 26/11), là đợt cao điểm của đợt triều cường này, sau đó nó xuống chậm. Đợt triều cường này còn kéo dài thêm một vài ngày nữa. Mực nước trên báo động 1, báo động 2 tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ kéo dài tới cuối tháng này.
Đợt triều cường cuối tháng 10 vừa qua, đạt 1,57 m đã đạt mức lịch sử, nhưng đợt triều cường này còn cao hơn số liệu tháng vừa qua. Như vậy, tình hình triều cường ở thành phố Hồ Chí Minh qua số liệu đo được, 3-4 năm gần đây, liên tục năm sau cao hơn năm trước.
Điều này cho thấy diễn biến mực nước khá đa dạng, điều này cần được tiếp tục nghiên cứu.
PV: Thưa ông, trong đợt triều cường lớn nhất này, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ đã liên tiếp thông báo kịp thời đến địa phương nhằm chủ động phòng chống như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Giám: Chúng tôi đã dự báo, đã thông báo trước khi có triều cường. Khi thấy xuất hiện những bất thường cao hơn bình thường chúng tôi đã ra thông báo riêng và bản tin đã gửi tới các địa phương và đặc biệt là bản tin cập nhật trên trang web của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Hồ Chí Minh.
Tại TP HCM, hiện nay, chúng tôi có 2 trạm đo là Nhà Bè và Phú An còn vào sâu trong các điểm khác chúng tôi không có điểm đo. Do đó, người dân có thể theo dõi thông báo và diễn biến của mực nước triều tại TP HCM và các tỉnh lân cận trên trang web của Ban Chỉ huy TP HCM.
Theo dõi những tương quan thích ứng từng mực nước tại trạm Phú An để cụ thể hóa thực tế ở địa phương như thế nào từ đó có phương án phòng chống thích hợp./.