|
Biến đổi khí hậu tạo sức ép mạnh mẽ lên tài nguyên đất vốn đã hạn hẹp |
Đã hiện hữu
Theo nhóm nghiên cứu của Trung tâm Dữ liệu và Truyền thông phòng ngừa thiên tai (Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu), thực tế các số liệu quan trắc cho thấy, những năm gần đây, tổng lượng mưa trung bình năm, tổng số ngày có nhiệt độ cao hơn 35 độ C tăng, số ngày rét đậm, rét hại (nhiệt độ dưới 15 dộ C) tăng dần.
Khi xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho tỉnh này, kết quả mô phỏng cho thấy, nhiệt độ có xu hướng tăng dần từ phía Đông sang phía Tây. Khu vực có nhiệt độ tăng mạnh nhất là huyện Yên Phong và huyện Từ Sơn. Khu vực phía Đông các huyện Quế Võ, Gia Bình, Lương Tài giáp với Bắc Giang và Hải Dương cũng có mức tăng lớn. Huyện Lương Tài có mức tăng nhiệt độ nhỏ nhất.
Lượng mưa ở tỉnh dự kiến tăng theo thời gian. Mức độ tăng không đồng đều ở các khu vực. Điều đáng lưu ý là lượng mưa tăng mạnh trong khi vào mùa khô lượng mưa có xu hướng giảm.
Sức ép từ biến đổi khí hậu
Sự thay đổi nhiệt ẩm trước hết sẽ ảnh hưởng đến tình hình cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất. Sẽ có nguy cơ thiếu nước trong mùa khô do lượng mưa giảm, đồng thời mực nước ngẩm lại hạ. Ngược lại gây lũ lụt về mùa mưa do lượng mưa tăng.
Thực tế trong thời gian qua, do thay đổi về lượng mưa nên Bắc Ninh đã phải đầu tư hơn 133 tỷ đồng để nạo vét, lắp đặt trạm bơm dã chiến, điện và dầu nhằm đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khoảng 2.750 ha đất trũng bị ngập úng thường xuyên thuộc các huyện Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ và Yên Phong và khoảng 7.095 ha diện tích thường xuyên bị hạn. Diện tích này dự kiến còn tăng khi biến đổi khí hậu gia tăng.
Nguồn nước, nhiệt độ thay đổi tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, như tác động đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng, ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng của gia súc, gia cầm, làm tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm, gây nguy cơ thu hẹp diện tích đất nông nghiệp.
Các nhà khoa học còn tính toán đến các nguy cơ làm hư hỏng mặt và nền đường bộ, tăng nguy cơ xói lở và cạn kiệt các luồng giao thông đường thủy; đường chống lũ…
"Biến đổi khí hậu sẽ tạo nên 3 sức ép lớn, đó là tạo sức ép mạnh mẽ lên tài nguyên đất vốn đã hạn hẹp của tỉnh; tạo sức ép lên việc chuyển đổi nghề nghiệp cho một lượng lớn lao động; tạo ra nhiều vấn đề về an ninh lượng thực và sinh kế", ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm cho biết.
8 dự án ưu tiên
Trung tâm và Truyền thông phòng ngừa thiên tai và Sở TN&MT Bắc Ninh đã xây dựng một hệ thống các lĩnh vực cần ưu tiên để ứng phó với biến đổi khí hậu, dựa trên tiêu chí dự án ưu tiên do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hàng loạt vấn đề được đặt ra khi lựa chọn một dự án ưu tiên. Đó là các dự án phải cấp thiết, mang tính xã hội cao, có tính đến lợi ích kinh tế, mang nhiều mục tiêu, hỗ trợ, bổ sung cho nhu cầu bức thiết trong nghiên cứu, xây dựng thể chế và kế hoạch hành động và tăng cường năng lực. Đặc biệt các dự án phải có tính lồng ghép và đồng bộ, hài hòa với các cam kết đa phương cũng như với quy hoạch và các chương trình quốc gia của các ngành và các cam kết quốc tế.
Các chuyên gia đã lựa chọn 8 dự án cấp bách. Có thể kể đến việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến TN&MT; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu liên quan đến biến đổi khí hậu; Kế hoạch truyền thông về BĐKH của Tỉnh giai đoạn 2011 - 2015; nâng cao năng lực cho cán bộ; Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển cho các nhóm dễ bị tổn thương; Xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động ứng phó BĐKH cho ngành nông nghiệp; bảo vệ đa dạng sinh học; Rà soát nội dung các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch của từng lĩnh vực để thực hiện việc tích hợp các vấn đề về BĐKH…
Dự kiến kinh phí thực hiện 8 dự án này khoảng hơn 30 tỷ đồng.