Đã gần 1 năm kể từ Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP16) diễn ra tại Cancun (Mexico), Hội nghị COP 16 kết thúc tuy chưa đạt được như mong muốn về cắt giảm khí carbon, nhưng đã có những bước tiến quan trọng. Các quốc gia phát triển đã lập ra một quỹ Xanh có trị giá 100 tỷ USD để giúp đỡ các quốc gia đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khung thích ứng với biến đổi khí hậu mới mang tên Cancun đã được thiết lập nhằm hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho triển khai các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia, đây là cơ sở để tiếp tục tiến trình đàm phán tại Hội nghị Cop 17.
Ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Việt Nam tiếp tục bảo vệ tiếng nói của các nước đang phát triển cũng như khẳng định tầm quan trọng của công ước về biến đổi khí hậu cũng như Nghị định thư Kyoto, liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và đây là cơ sở pháp lý hình thành rất quan trọng. Trong thời gian sắp tới, chúng ta tiếp tục ủng hộ và cần duy trì những cơ chế và những vấn đề pháp lý".
Một trong những chủ đề chính sẽ được thảo luận tại Hội nghị này là các vấn đề về tăng trưởng xanh, vấn đề an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp. Còn đối với việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các vòng đàm phán liên quan đến nhiều khía cạnh của những thỏa thuận đã đạt được tại COP16 như cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải khí C02, cơ chế hợp tác quốc tế sẽ được tiếp tục bàn thảo sâu hơn trong Hội nghị COP 17. Hiện nhiều tổ chức quốc tế đang tích cực hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị cho sự kiện này.
Ông Andrew Steer, Đặc phái viên của Ngân hàng thế giới về Biến đổi khí hậu đánh giá: “Cop 17 là Hội nghị rất quan trọng đòi hỏi phải đạt được những tiến bộ về các vấn đề cần giải quyết như việc giữ mức tăng nhiệt độ là 2 độ C. Vì hiện nay chúng ta vẫn chưa đi đúng hướng, nhiệt độ vẫn ở mức 3-5 độ C. Việt Nam là nước thấy rõ nhất những ảnh hưởng khi mực nước biển dâng, thiên tai và bão lũ xảy ra, vì vậy trong các chương trình hỗ trợ Việt Nam, chúng tôi cũng tính đến các lĩnh vực phát triển carbon thấp, tiết kiệm năng lượng, thiết lập những lưới điện thông minh… để Việt Nam có được những lợi ích về công nghệ, tài chính từ các giải pháp của thế giới”.
Ba năm qua, đặc biệt sau Hội nghị Cop 16 tại Cancun, chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã tích cực triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, đó là đánh giá mức độ BĐKH và nước biển dâng, xây dựng và triển khai chương trình khoa học cộng nghệ về BĐKH, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH.
Theo nhiều chuyên gia về biến đổi khí hậu, ngoài việc tìm ra những mục tiêu chung trong việc cắt giảm khí CO2, Hội nghị Cop 17 sẽ là cơ hội để các quốc gia, trong đó có Việt Nam tìm ra hướng hợp tác có tính dài hạn, liên quan đến cơ chế trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải khí carbon như: bảo vệ và phát triển rừng, chuyển đổi mô hình kinh tế ít carbon tăng trưởng xanh vì sự phát triển bền vững.