Toàn huyện có 869 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó có 73 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. |
8 giờ sáng ngày 18/8 trời mưa vẫn không hề ngớt, nước trên các khe suối đục ngầu và cuộn chảy xiết, chúng tôi có mặt tại xã Khánh Hoà huyện Lục Yên nơi chịu hậu quả nặng nề bởi cơ bão số 5. Đâu đâu cũng thấy cảnh cây đổ, cột điện nghiêng, dây điện đứt và nhất là nhà cửa bị tốc mái hoặc đổ sập.
Ngay nhà làm việc của chính quyền xã, gió lốc cũng hất văng hàng chục tấm Phibro xi măng. Những cây sấu có đường kính thân mấy chục cm, trồng làm bóng mát tại trụ sở UBND xã Khánh Hòa, cây thì bật gốc, cây thì gẫy ngọn, có cây gió vặn đứt ngang thân.
Ông Hoàng Văn Hôm - Trưởng Ban Công an xã Khánh Hoà kể lại: “Vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 17/8 gió lốc nổi lên, mỗi lúc một mạnh, thời gian lốc khoảng 40 phút thì gió giảm nhưng mưa lại rất to. Cây cối ngả nghiêng rồi đổ gục; nhà cọ tốc mái trước, nhà lợp Phipro tốc sau, những tâm vỡ lao xuống đường và nền gạch kêu loảng xoảng; rất nhiều tiếng kêu răng rắc phát ra từ những nhà gỗ, rồi những nhà yếu xiêu vẹo đổ trước xuống, cá biệt có cả những ngôi nhà gỗ mới làm khá vững trãi bị đổ. Cành lá cây khô, nhất là ván bóc của những xưởng chế biến gỗ bay tứ tung”.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 5, toàn huyện có 869 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó có 73 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Sáng 18/8, đồng chí Phạm Văn Lái - Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Yên Bái và lãnh đạo huyện uỷ, UBND huyện Lục Yên đã đến Khánh Hoà và các xã bị thiên tai để thăm hỏi động viên bà con nhân dân và chỉ đạo công tác khắc phục. |
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Khánh Hoà, đến thời điểm 11 giờ ngày 18/8 toàn xã có 200 nhà bị hư hỏng, đặc biệt có 8 nhà bị đổ hoàn toàn. Trong đó thôn 4 và thôn 8 bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thôn 4 có tới 8 nhà sập, thôn 8 có một nhà sập nhưng rất nhiều nhà bị tốc một phần hoặc toàn bộ phần mái; ngoài ra hàng chục hộ khác bị sập nhà bếp hoặc công trình chuồng trại.
Rất may không thiệt hại về người, riêng tài sản thì chưa thể thống kê được nhưng chắc chắn là không hề nhỏ vì nước mưa đã làm ướt thóc gạo; làm hỏng hàng hoá của các hộ kinh doanh ở thôn 8. Tố lốc cũng đã làm tốc mái nhà lớp học và nhà làm việc của ban giám hiệu hai trường tiểu học và trung học cơ sở của xã.
Xác định rõ địa bàn Lục Yên và địa phương mình có thể sẽ chịu hậu quả nên chủ tịch UBND xã đã trực tiếp phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ. Do đặc điểm địa hình, trên địa bàn xã có ba thôn gồm 1, 2 và 3 nếu mưa lũ, nước suối dâng cao sẽ bị chia cắt nên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của xã Khánh Hoà được chia làm hai tổ, tổ thứ nhất do Phó chủ tịch UBND xã và một số cán bộ về trực tại khu vực 3 thôn nói trên; chủ tịch UBND và số cán bộ còn lại ứng trực và chỉ huy ở những thôn còn lại.
Chủ tịch UBND xã Khánh Hoà đồng chí Nguyễn Ngọc Minh cho biết: “Đảm bảo an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hai về tài sản là phương châm mà anh em chúng tôi đã quán triệt kỹ. Công tác đảm bảo thông tin liên lạc là nhiệm vụ quan trọng nhất trong mọi tình huống vì vậy chúng tôi đã lưu ý anh em nạp pin điện thoại đầy đủ, phòng mất điện, hết pin và giữ gìn điện thoại cẩn thận, không để mưa ướt hoặc nước suối làm hỏng”.
Chính những cuộc điện thoại di động đã giúp chính quyền xã nắm được đầy đủ thông tin từ cơ sở và có ý kiến chỉ đạo người dân và các lực lượng thực hiện phương án phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai! Dù vậy, trước sức tàn phá ghê gớm của trận tố lốc, nhà cửa, cây cối và và tài sản của nhân dân trong xã vẫn bị hư hại.
Gia đình anh Trịnh Quốc Hưng, một trong những hộ chịu ảnh hưởng nặng nề ở thôn 8 với toàn bộ nhà bếp, công trình phụ bị đổ sập hoàn toàn, một nửa mái nhà chính cũng đã bị gió lôi xuống bãi đất sau nhà, toàn bộ đồ đạc, tài sản trong nhà đều ngâm trong bùn và nước mưa. Điều đáng quý nhất là đã có hàng chục thanh niên đang có mặt giúp anh chị Hưng thu dọn nhà cửa, tìm kiếm lại tài sản.
Phía chân dốc, ngay đầu thôn 6 là ngôi nhà gỗ mới làm của anh Hoàn Văn Thiều, gió bão đã làm cho món tài sản quý giá nhất mà bao công anh chị cố gắng cóp nhặt được giờ đã thành một… đống củi. Đang cố công nhặt lại những đồ dùng may mắn còn chưa hỏng, vỡ như cái bát, cái nồi nấu canh, còn dao dựa hay cái kiềng sắt.
Anh Thiều như đã kiệt đi vì suốt đêm qua tời giờ anh phải rầm mưa, chịu rét. “Không còn gì nữa rồi các chú ạ! Nhà đổ thế này mộng vỡ hết, không dựng lại được đâu, cột kèo chỉ làm củi đun thôi. Tiếc quá!” - Anh Thiều nói như mếu giữa đổng đổ nát, dưới trời mưa tầm tã. Không biết mắt anh đỏ do mất ngủ hay anh khóc do tiếc ngôi nhà mà anh đã đổ bao mồ hôi, nước mắt mới có được.