Thứ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp |
Tại cuộc họp này, một lần nữa các đại biểu khẳng định, mô hình Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) đã làm tốt vai trò một diễn đàn kết nối giữa các nhà tài trợ và Chính phủ trong thực hiện các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình diễn đàn chính sách này tại COP 18.
Cần cam kết hoàn thành các hành động chính sách
Hoạt động quan trọng nhất của Chương trình SP-RCC là xây dựng khung ma trận chính sách về biến đổi khí hậu trong từng giai đoạn để vận động tài trợ. Khung ma trận đưa ra lộ trình, kế hoạch thực hiện cụ thể đối với các hành động chính sách.
Trong 3 năm qua, đã có 122 hành động chính sách được các Bộ, ngành xây dựng và triển khai, nhằm cụ thể hóa các chính sách toàn cầu về biến đổi khí hậu, tạo khuôn khổ ban đầu cho hệ thống chính sách về biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Từ chỗ chính sách biến đổi khí hậu khá mơ hồ, nhiều Bộ, ngành đưa ra các chính sách chồng chéo, chưa tập trung trong vài năm trước. Đến nay, một hình dung cơ bản về chính sách thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu đã dần hiện rõ. Nguồn vốn tài trợ quốc tế tăng theo từng năm, chứng tỏ sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Trong năm 2012, có 44 hành động chính sách được đưa ra triển khai ở 9 Bộ, ngành, trong đó có 9 hành động bắt buộc (phải hoàn thành trong năm 2012) và 35 hành động quan trọng.
Theo kết quả giám sát thực hiện Chương trình, có 3 hành động chính sách bắt buộc và 6 hành động chính sách quan trọng bị chậm tiến độ. Điều này nếu không được giải trình cụ thể và có phương án xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà tài trợ.
Tuy nhiên, theo giải trình của các Bộ, ngành, nhiều hành động chính sách có khả năng hoàn thành ngay trong đầu năm 2013 hoặc có tính khả thi cao. Có thể kể đến, hành động “Tăng cường khung pháp lý để thực thi Luật Tài nguyên nước” do Bộ TN&MT chủ trì. Hiện Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước đã hoàn thành và Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước đang gấp rút lấy ý kiến các Bộ ngành và trình phê duyệt trong quý I/2012. Hay hành động chính sách “Xây dựng 3 mô hình điểm chuyển giao quản lý công trình thủy lợi, kênh cấp 2” cũng bị chậm song theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mô hình đã được chuyển giao song khó khăn nằm ở nguồn kinh phí và nhân lực vận hành mô hình…
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đề nghị, các Bộ, ngành có các hành động chính sách bị chậm tiến độ cần giải trình cụ thể, đồng thời đưa ra lộ trình và cam kết thực hiện hành động này để các nhà tài trợ xem xét, quyết định đưa vào Khung ma trận chính sách giai đoạn tới 2013-2015.
Triển khai chính sách – ưu tiên mới trong giai đoạn 2013-2015
Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, chúng ta đã qua giai đoạn tác động vấn đề biến đổi khí hậu vào chính sách vĩ mô. Giai đoạn tới là giai đoạn hành động, tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách, khuôn khổ pháp lý đang đang hoàn thiện.
Khung ma trận chính sách giai đoạn 2013-2015 cần nghiên cứu các vấn đề chính sách toàn cầu mới như Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính điều kiện quốc gia (NAMA), Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD)… để cụ thể hóa, triển khai ở quy mô quốc gia và khu vực một cách có hiệu quả. Cần đưa ra các chương trình khả thi để thực hiện.
Thảo luận về Khung ma trận chính sách giai đoạn 2013-2015, các nhà tài trợ quốc tế cho rằng, Khung kế hoạch lần này phải gắn chặt với các kế hoạch và chiến lược quan trọng như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược Tăng trưởng xanh… Khung hành động chính sách giai đoạn 2013-2-2015 cần có tầm chiến lược hơn, đồng thời có tính khả thi và tập trung cao hơn.
Các nhà tài trợ cũng đề xuất, nên đưa các hành động chính sách cụ thể liên quan đến phát triển cacbon thấp để đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh. Thêm nữa, khi xây dựng các chính sách về biến đổi khí hậu, cần thực hiện đồng thời cách tiếp cận từ dưới lên để tạo tính khả thi, chi tiết và cách tiếp cận từ trên xuống để đảm bảo tính vĩ mô, bao quát của chính sách. Các nhà hoạch định chính sách cấp cao của các Bộ sẽ chỉ ra các chính sách ưu tiên về biến đổi khí hậu và hướng dẫn thực hiện các hành động chính sách một cách bao quát.
TS. Nguyễn Văn Minh, Phó Trưởng Ban điều phối Chương trình SP-RCC cho rằng, các Bộ, ngành cần chủ động hơn trong xây dựng các hành động chính sách.