Sau cuộc họp ngày 15/3/2016 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về báo cáo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và các giải pháp ứng phó, tiếp tục các hoạt động hợp tác và hỗ trợ, sáu tổ chức đã phối hợp đánh giá nhanh nhu cầu tại các tỉnh Bến Tre, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum và Kiên Giang. Đoàn đánh giá gồm các thành viên từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ y tế, Ban Điều phối viện trợ nhân dân, UN và các tổ chức phi chính phủ. Đoàn đánh giá đã đi thực địa thu thập dữ liệu và phân tích từ ngày 21-25/3/2016.
Mục tiêu của đoàn đánh giá nhằm: Xác định nhu cầu nhân đạo trước mắt của người dân tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá tổng quan tác động của hạn hán, xâm nhập mặn tới cộng đồng; Đặc biệt là các tác động của hạn hán và xâm nhập mặn tới nông nghiệp, sản xuất lương thực, sức khỏe, giáo dục, trẻ em, phụ nữ.
Trong cuộc họp, báo cáo đã chỉ ra ưu tiên cho hỗ trợ nhân đạo gồm: 1.526.798 người cần hỗ trợ khẩn cấp về nước uống, 188.851 người cần hỗ trợ lương thực (Gia Lai, Ninh Thuận), kiểm soát và khoanh vùng khẩn cấp các khu vực có bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy, lị, lở mồm long móng (đối với gia súc).
Cùng với đó, báo cáo cũng đề xuất một số nhiệm vụ cần ưu tiên triển khai trước mắt như tập trung vào cấp và trữ nước, tăng cường các biện pháp tẩy mặn, xây dựng kế hoạch xây hồ chứa cấp tỉnh. Ưu tiên các loại cây chịu hạn, đào tạo nghề, chuyển đổi phương thức canh tác, nâng cao nhận thức người dân về thiên tai, vệ sinh…
Tại cuộc họp, đoàn đánh giá tại Kiên Giang đã chia sẻ một số vấn đề như: nhận thức của người dân về tình hình hạn hán, sức khỏe của người dân, hệ thống y tế của địa phương có cơ sở hạ tầng, năng lực ứng phó yếu khi đối mặt với thiên tai hiện nay, nhóm dễ bị tổn thương nhất là người nghèo,…
Đoàn đánh giá tại Ninh Thuận cũng chia sẻ hiện trạng người dân tại đây đang cố gắng cầm cự tới đợt mưa tháng 6, khoảng 130.000 người cần hỗ trợ lương thực và các nhu yếu phẩm khác. Hệ thống nước ngầm cũng không còn nhiều, nhiều khu vực khoan sâu tới 100m nhưng cũng không tìm được nước. Tại đây mới chỉ có 1 trường dạy nghề với khoảng 170 học viên đang theo học.
Các câu hỏi thảo luận trong hội thảo tập trung vào kế hoạch ứng phó trước mắt và lâu dài của chính phủ, các hoạt động để khôi phục lại các vụ mùa, đồn điền cây công nghiệp, vấn đề thượng nguồn sông Mê Kông…
|
Ông Cao Đức Phát – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết về vấn đề sông Mê Kông, nguyên nhân đầu tiên là do Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng El nino nên lượng mưa trong khu vực bị giảm từ 20% – 30% so với cùng kỳ năm trước. Việc xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn càng làm trầm trọng thêm tình hình hạn hán và xâm nhập mặn. Do đó, Việt Nam một mặt cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ cùng cộng đồng quốc tế, đặc biệt với các nước trong lưu vực sông Mê Kông. Mặt khác cần tăng cường quy hoạch, quản lý các hồ chứa để chủ động trong công tác ứng phó. Hiện nay Trung Quốc đã xả 2.200m3/s, Lào xả 1.100 m3/s trên lưu vực sông Mê Kông, dự kiến 30/3/2016 sẽ về tới Việt Nam, góp phần đẩy lùi xâm nhập mặn và giảm hạn hán. Chính phủ cũng đã làm mọi thứ có thể để hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương đối phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn này từ tháng 9 năm 2015. Đã có nhiều khuyến cáo và hướng dẫn người dân đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn như: kéo dài đường ống dẫn nước về tận hộ dân, chuyển đổi sang các cây trồng cạn, chuyển đổi mô hình canh tác sang các mô hình kết hợp. Cũng như hỗ trợ người dân về công nghệ mới (như công nghệ tưới tiết kiệm của Israel đã triển khai thử nghiệm tại Đăk Lăk, cho hiệu quả tiết kiệm 30% nước) và vấn đề đào tạo nghề cần chú ý tới đặc điểm từng địa phương. Vấn để hạn hán không chỉ do nước thượng nguồn, mà còn do vấn nạn chặt phá rừng đầu nguồn, cũng như vấn đề tập quán canh tác của người dân, phát triển đô thị và y tế.
Kết thúc cuộc họp, ông Cao Đức Phát thay mặt chính phủ, đã cảm ơn sự hợp tác và hỗ trợ từ UN và các tổ chức trong và ngoài nước cùng chung tay đối mặt với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Ông cũng đề nghị các đơn vị tổ chức tiếp tục tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Chi tiết báo cáo và bài trình bày được cập nhật tại đây.