Lũ là hiện tượng mực nước sông dâng cao trong khoảng thời gian nhất định, sau đó xuống.
Khi nước sông lên cao (do mưa lớn hoặc/và triều cao), vượt qua khỏi bờ, chảy tràn vào các vùng trũng và gây ra ngập trên diện rộng trong một khoảng thời gian nào đó là ngập lụt.
Một số tên gọi và định nghĩa:
- Mực nước: là cao độ mực nước so với cao trình chuẩn (thường so sách với mực nước biển trung bình –Mean Sea Level).
- Lưu lượng: là lượng nước chảy qua một mặt cắt ngang lòng dẫn trong một đơn vị thời gian.
- Đỉnh lũ: là giá trị mực nước lớn nhất hoặc lưu lượng lớn nhất trong một trận lũ.
- Chân lũ lên: là thời điểm từ mực nước bắt đầu dâng cao so với mực bình thường.
- Chân lũ xuống: là thời điểm từ mực nước xuống so với mực bình thường
- Thời gian lũ lên: là khoảng thời gian từ thời điểm chân lũ lên đến đỉnh lũ
- Thời gian lũ xuống: là khoảng thời gian từ đỉnh lũ đến thời điểm chân lũ xuống
- Thời gian lũ: là khoảng thời gian từ thời điểm chân lũ lên đến lúc chân lũ xuống
- Biên độ lũ: là chênh lệch mực nước đỉnh lũ và mực nước chân lũ lên
- Cường suất lũ: là tốc độ nước lên hoặc xuống
- Tổng lượng lũ: là lượng nước lũ do mưa gây ra trong một trận lũ
- Modun đỉnh lũ: là lưu lượng đỉnh lũ trên một đơn vị diện tích lưu vực sông.
|
Đồ thị diễn tả một quá trình lũ
|
Lũ được phân biệt thành các loại:
- Lũ nhỏ: là loại lũ có đỉnh lũ thấp hơn mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm
- Lũ vừa: là loại lũ có đỉnh lũ đạt mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm
- Lũ lớn: là loại lũ có đỉnh lũ cao hơn mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm
- Lũ đặc biệt lớn: là loại lũ có đỉnh lũ cao hiếm thấy trong thời kỳ quan trắc
- Lũ lịch sử: là loại lũ có đỉnh lũ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc hoặc do điều tra khảo sát được.
Lũ quét, lũ sông và lũ ven biển hình thành do mưa có cường độ lớn trong thời gian ngắn hoặc do sự kết hợp với các hình thái thời tiết theo mùa;
Các tác động của con người dẫn tới sự thay đổi bề mặt lưu vực làm giảm khả năng thoát nước của lưu vực và vùng bãi ngập lụt cũng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra lũ. Đê biển bị vỡ và nước biển dâng trong bão gây ra lũ ven biển.
Ngoài ra còn do:
- Mưa lớn và mưa kéo dài (bao gồm cả ảnh hưởng của bão hoặc tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu)
- Các công trình xây dựng ngăn cản dòng chảy tự nhiên (đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi ...);
- Đô thị hóa nhanh làm giảm sức hút nước của đất và hệ thống thoát nước không được qui hoạch tốt;
- Vỡ đê hay vỡ đập;
- Rừng bị chặt phá và bị huỷ hoại (đặc biệt là rừng đầu nguồn).
- Đê biển bị vỡ và nước biển dâng trong bão gây ra lũ từ phía biển